Nghiên cứu phân tích lợi ích- chi phí các phương án sử dụng đất ngập nước Giao Thuỷ là một trong các hoạt động của Dự án thí điểm Quản lý tổng hợp vùng ven bờ tỉnh Nam Định, đang được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Hà Lan. Mục tiêu của nghiên cứu này là thực hiện phân tích kinh tế đối với các phương án khác nhau trong sử dụng vùng đất ngập nước ven biển, phục vụ cho việc ra quyết định của chính quyền địa phương.
Căn cứ vào quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển ngành của địa phương cũng như các nghiên cứu trước đây về vùng đất ngập nước ven biển huyện Giao Thuỷ, nghiên cứu này lựa chọn một số phương án sử dụng đất và thực hiện phân tích chi phí- lợi ích cho từng phương án đó. Các phương án được nghiên cứu bao gồm:
Phương án
Hiện trạng Vây vạng Nuôi tôm quảng canh Phương án 1 Vây vạng Nuôi tôm quảng canh Nuôi tôm công nghiệp Du lịch sinh thái Phương án 2 Chuyển vùng vây vạng sang bảo tồn thiên nhiên Nuôi tôm quảng canh Du lịch sinh thái Phương án 3 Vây vạng Nuôi tôm quảng canh Du lịch sinh thái
Hoạt động
Với mỗi phương án, nhóm nghiên cứu sẽ xác định lợi ích và chi phí liên quan đến cộng đồng tại địa phương, tức là cả lợi ích/ chi phí thị trường và phi thị trường. Lợi ích/ chi phí thị trường thực chất là các dòng tiền vào - ra (thu và chi) do các hoạt động khai thác thuỷ sản và du lịch mang lại. Lợi ích/ chi phí phi thị trường là các lợi ích/ chi phí liên quan đến các giá trị phi sử dụng, được tính toán trong tổng giá trị kinh tế của rừng ngập mặn và các chi phí – lợi ích xã hội khác. Các lợi ích/ chi phí này sau đó sẽ được dùng để tính toán các chỉ tiêu, qua đó so sánh và tìm ra phương án có lợi nhất đối với cộng đồng, đó là phương án có giá trị hiện tại của lợi ích ròng lớn nhất.
Căn cứ vào các phương pháp luận, căn cứ vào các chỉ tiêu kinh tế, căn cứ vào tỷ lệ chiết khấu và căn cứ vào các kết quả tính toán được của từng hình thức kinh tế đặc trưng nơi đây, nhóm nguyên cứu đã xác định được hiệu quả cụ thể của từng hình thức kinh tế cụ thể:
Thu nhập từ nuôi tôm: Theo Quy hoạch phát triển thuỷ sản đến năm 2010, năng suất nuôi tôm đạt trung bình 280kg/ ha/ năm. Diện tích các đầm tôm là 1.956 ha. Với mức giá bán trung bình là 120.000 VNĐ/ kg thì thu nhập từ nuôi tôm một năm là 65.721.600.000 VNĐ.
Thu nhập từ nuôi vạng: Diện tích bãi vạng được xác định là 450 ha. Năng suất nuôi vạng, theo Phòng Thủy sản, đạt trung bình 30 tấn/ ha/ năm. Giá bán 11.000 VNĐ/kg. Do đó tổng thu nhập từ nuôi vạng là 148.500.000.000 VNĐ.
Thu nhập khác: Bên cạnh thu nhập từ nuôi tôm và vạng, người dân trong vùng còn có thu nhập từ việc nuôi cua và thả rau câu trong các đầm tôm. Năng suất cua là 120 kg/ ha/năm, rau câu là 500 kg/ha/năm, theo Quy hoạch phát triển thủy sản huyện Giao Thuỷ. Theo đó thu nhập hàng năm từ cua được tính toán đạt mức 23.472.000.000 VNĐ, thu nhập từ rau câu đạt mức 3.912.000.000 VNĐ.
Giá trị của rừng ngập mặn: Hiện tại vùng Cồn Lu - Cồn Ngạn có 2.760,72 ha rừng ngập mặn (theo Báo cáo quy hoạch sử dụng đất đai vùng bãi bồi Cồn Lu - Cồn Ngạn) và sẽ tăng lên 4941.22 ha từ năm 2010. Để tính toán lợi ích đối với xã hội của diện tích rừng này, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp chuyển giao giá trị (có điều chỉnh) tổng giá trị kinh tế của 1 ha rừng ngập mặn ở Nam Định đã được tính toán trong các nghiên cứu trước đây. Theo đó, tổng giá trị kinh tế gồm giá trị trực tiếp như gỗ, củi, tôm, thân mềm hai vỏ…và giá trị gián tiếp như giảm thiệt hại do gió bão, nước dâng, xâm nhập mặn, bảo vệ đê… Theo tài liệu nghiên cứu của GS. TS. Vũ Trung Tạng (2005) thì tổng giá trị này là 22.295.000 VNĐ/ ha. Để tránh tính trùng, giá trị này phải được trừ đi giá trị của các lợi ích từ tôm, cua và vạng. Giá trị của rừng để tính toán lúc này là 1.169.700 VNĐ/ ha.
*Chi phí nuôi tôm
Chi phí đầu tư xây dựng ban đầu: Việc nuôi tôm đòi hỏi phải đầu tư ban đầu cho xây dựng đầm tôm. Theo số liệu của Phòng Thủy sản, chi phí đầu tư xây dựng đầm tôm trung bình là 18.000.000 VNĐ/ ha (bao gồm đào đắp bờ ao: 15.000.000 VNĐ, cống khai thác: 1.000.000 VNĐ, nhà bảo vệ: 1.000.000 VNĐ, dụng cụ thiết bị: 1.000.000 VNĐ)
Chi phí hàng năm: Bao gồm chi cải tạo đầm, mua giống tôm, mua thức ăn và thuê lao động. Tổng các chi phí này trung bình là 32.500.000 VNĐ/ha/năm.
Ngoài ra, theo điều tra của nhóm nghiên cứu, chủ đầm tôm còn mua giống rau câu và cua với chi phí trung bình 1.000.000 VNĐ rau câu và 2.500.000 VNĐ tôm cho 1 ha nuôi thả.
*Chi phí nuôi vạng
Hoạt động nuôi ngao vạng nhìn chung không đòi hỏi đầu tư ban đầu nhiều. Tuy nhiên, hàng năm người chủ vây vạng phải chịu các chi phí cải tạo, chi phí mua giống, thuê lao động trông coi cũng như thuê nhân công vào vụ khai thác. Tổng chi phí hàng năm, theo Phòng Thủy sản huyện Giao Thuỷ cung cấp, trung bình là 84.000.000 VNĐ/ ha (bao gồm san bãi: 20 triệu, ngao giống là 35 triệu, tiền sửa chữa vây, cọc, chòi canh và thiết bị khác là 7 triệu đồng)
Với các thu nhập và chi phí như trên, có thể tính toán được giá trị hiện tại của lợi ích ròng (Giá trị hiện tại ròng - NPV) của hiện trạng sử dụng vùng đất ngập nước ven biển huyện Giao Thuỷ như sau:
Giá trị hiện tại ròng (VNĐ) 843,506,521,437
Tỷ suất lợi ích/ chi phí (lần) 2.26482
Căn cứ vào các kết quả tính toán thu được ở trên, nhóm nguyên cứu đã tiến hành so sánh giữa các phương án và đã đưa ra bảng tóm tắt kết quả tính toán cho hiện trạng và các phương án sử dụng vùng đất ngập nước ven biển huyện Giao Thuỷ như sau:
Tóm tắt kết quả tính toán (tỷ lệ chiết khấu r = 10%)
Hiện trạng Phương án 1 Phương án 2 Phương án 3 NPV
843,506,521,437
1,093,877,298,904
140,704,500,506
1,123,220,780,708
BCR
2.26482
1.95826
1.29718
2.38848
Các kết quả tính toán với tỷ lệ chiết khấu là 10% cho thấy, trong các phương án được lựa chọn nghiên cứu, phương án 3 có giá trị hiện tại ròng lớn nhất là 1.123.220.780.708 VNĐ và tỷ suất lợi ích- chi phí cũng cao nhất, là 2,39 lần.
Phương án giữ nguyên như hiện trạng có tỷ suất lợi ích – chi phí thấp hơn không đáng kể so với phương án 3 nhưng giá trị hiện tại ròng lại thấp hơn khá nhiều.
Phương án 1 có giá trị hiện tại ròng và tỷ suất lợi ích- chi phí đều thấp hơn so với phương án 3; tuy mức độ chênh lệch về hiệu quả cuối cùng giữa phương án 1 và 3 không nhiều nhưng cần lưu ý là phương án 1 tuy có lợi ích hàng năm lớn nhưng cũng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu và chi phí hàng năm cao hơn nhiều cho hoạt động nuôi tôm công nghiệp so với phương án 3. Như vậy, phương án 3 sẽ có ưu điểm hơn hẳn phương án 1.
Phương án 2 có giá trị hiện tại ròng thấp nhất, và cũng có tỷ suất lợi ích/ chi phí nhỏ nhất so với các phương án khác.
Với kết quả tính toán, phân tích và so sánh như vậy, phương án sử dụng vùng đất ngập nước ven biển Nam Định có hiệu quả lớn nhất đối với xã hội là phương án 3. Phương án này bao gồm các hoạt động khai thác ngao vạng theo quy hoạch, đồng thời thực hiện đầu tư và khai thác du lịch và tiếp tục tiến hành các hoạt động nuôi tôm theo phương thức quảng canh mà không nên chuyển sang nuôi công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành phân tích mực độ nhạy cảm và sự thay đổi giá trị đồng tiền ở tương lai về giá trị hiện tại. Nhóm nghiên cứu đã giả định 5 tình huống thay đổi để xem xét mức độ thay đổi về giá trị kinh tế của các phương án khác nhau. Tuy nhiên, khi các tình huống giả định được đưa ra thì phương án 3 luôn là phương án tốt nhất và luôn cho giá trị dương. Cụ thể đó là tiến hành các hoạt động nuôi tôm theo hình thức quảng canh và nuôi vạng trên diện tích như đã nêu trong Quy hoạch phát triển thuỷ sản của huyện (lần lượt là 1956 ha và 650 ha), đồng thời đưa vùng này vào khai thác du lịch sinh thái như Báo cáo chuyên đề Định hướng phát triển du lịch sinh thái VQG Xuân Thuỷ đã đề xuất. Vùng lõi thuộc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ cần được bảo tồn, không tiến hành bất cứ một hoạt động kinh tế nào ở đây.
Mặc dù còn nhiều giả thiết được đưa ra và còn thiếu sự chắc chắn về các giá trị của những lợi ích thị trường. Nhưng phân tích sơ bộ này cũng cho thấy phương án sử dụng đất ngập nước có hiệu quả về mặt xã hội là kết hợp vây vạng, nuôi tôm quảng canh và du lịch sinh thái. Cụ thể đó là tiến hành các hoạt động nuôi tôm theo hình thức quảng canh và nuôi vạng trên diện tích như đã nêu trong Quy hoạch phát triển thuỷ sản của huyện (lần lượt là 1956 ha và 650 ha), đồng thời đưa vùng này vào khai thác du lịch sinh thái như Báo cáo chuyên đề Định hướng phát triển du lịch sinh thái VQG Xuân Thuỷ đã đề xuất. Vùng lõi thuộc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ cần được bảo tồn, không tiến hành bất cứ một hoạt động kinh tế nào ở đây.
Trích báo cáo của trung tâm kinh tế môi trường và phát triển vùng - ĐH Kinh tế Quốc dân