Dự án Gây quỹ trồng rừng ngập mặn Vườn quốc gia Xuân Thủy (11:46 | 19-10-2021)
Mục đích của dự án là nâng cao kiến thức của các bạn thanh thiếu niên về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn như Vườn quốc gia Xuân Thủy; gây quỹ để đóng góp cây xanh thực hiện trồng rừng cho Vườn...
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (VQGXT), Nam Định có giá trị lớn về sinh thái và đa dạng sinh học là môi trường sinh sống quan trọng của nhiều loài động, thực vật và là nguồn sinh kế có giá trị của người dân địa phương. Có khoảng 1646 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong, cỏ biển, động vật đáy, cá, côn trùng, bò sát, ếch – nhái, chim và thú, trong đó có 19 loài cá, 8 loài bò sát và 16 loài chim có tên trong Danh lục đỏ của IUCN – 2020, sống trong hệ sinh thái rừng ngập mặn VQGXT. Năm 1988, VQG Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar. Đây là bãi vùng triều cửa sông ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn, điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí cửa sông có tốc độ bồi lắng phù sa trung bình hàng năm khoảng vài chục mét. Bãi bồi cửa sông ven biển cũng là nơi cung cấp các nguồn hải sản quý như tôm, cua, cá, sò, vạng, rau câu và các loài khác. VQG Xuân Thủy còn là “ga chim” quan trọng đối với dòng chim di trú quốc tế, trong số đó có loài cò mỏ thìa mặt đen, là loài chim đã được ghi vào sách đỏ của IUCN về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tháng 10 năm 2004 UNESCO công nhận VQG Xuân Thủy là vùng quan trọng số một (vùng lõi-main) của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, điều đó đã khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của VQG Xuân Thủy.
Thời gian qua, để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và các đàn chim di trú hoang dã, VQG Xuân Thủy đã tiến hành đồng thời nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển như tiến hành các hoạt động bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương và thực hiện các dự án trồng rừng. Tuy nhiên, cũng vẫn có nhiều những vấn đề diễn ra như việc hàng loạt hộ dân nuôi tôm trong vùng rừng đệm và vùng lõi của Vườn tự ý chuyển đổi sang nuôi ngao đã làm thay đổi cảnh quan sinh thái, điều kiện tự nhiên môi trường làm chết cây rừng. Trong quá trình chuyển đổi đã chặt phá cây rừng và xả thải phá vỡ môi trường sinh thái bền vững của vùng rừng liền kề, gây ra cái chết hàng loạt của cây sú, cây vẹt (Báo Nhân Dân). Hiện nay, Vườn đang khôi phục rừng với những giải pháp kỹ thuật thuộc lĩnh vực phát triển rừng như trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, nông lâm kết hợp.
Ý thức được tầm quan trọng của các khu Ramsar như Vườn quốc gia Xuân Thủy, cùng với mong muốn được đóng góp vào các hoạt động tuyên truyền và trồng rừng mà Vườn quốc gia Xuân Thủy đang tiến hành, Phạm Ngô Hoàng Lan Elizabeth và Nguyễn Nguyệt Linh (cùng với một nhóm bạn học sinh từ Việt Nam và Niu-di-lân) dưới sự cho phép của Vườn quốc gia Xuân Thủy đồng thành lập dự án Mangrove Xuân Thủy, với sự cố vấn và hỗ trợ từ đại diện của chương trình Parent-Led Climate Fellowship tại Việt Nam. Mục đích của dự án là nâng cao kiến thức của các bạn thanh thiếu niên về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn như Vườn quốc gia Xuân Thủy; gây quỹ để đóng góp cây xanh thực hiện trồng rừng cho Vườn. Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được gửi cho Vườn quốc gia Xuân Thủy cho các mục tiêu trên.
Dự án gồm có hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tuyên truyền tới người thân, bạn bè, người quen thông qua việc thiết kế website, cung cấp kiến thức qua các thông tin được thu thập, clip, ảnh về Vườn quốc gia Xuân Thủy, thiết kế các trò chơi nhỏ nâng cao nhận thức về hệ sinh thái rừng ngập mặn để giới thiệu đến các bạn thanh thiếu niên.
Giai đoạn 2: Gây quỹ trồng rừng cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy với mục tiêu đầu là trồng được 200 cây, mỗi cây 35.000 VNĐ thông qua việc kêu gọi ủng hộ và thiết kế, bán sản phẩm như sticker, bookmark, tote bag in hình động vật và các loài chim VQGXT.
Ban Điều hành dự án mong muốn lan tỏa tinh thần chung tay trồng cây bảo tồn rừng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Mọi ủng hộ dành cho dự án xin truy cập link sau: https://mangrovexuanthuy.
wordpress.com/ung-ho/.
Vui lòng ủng hộ tới tài khoản: Ngô Thị Lan Anh, số tài khoản: 12510000490752 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Đô với nội dung [Họ tên, Email của bạn][VQGXT].
Chi tiết về số tiền ủng hộ sẽ được sao kê, tổng hợp công khai, và gửi đến VQGXT.
Ban Điều hành dự án xin chân thành cảm ơn!
Cộng đồng - ảnh hưởng đối với VQG Xuân Thuỷ (10:59 | 20-05-2011)
Giới thiệu mẫu tờ rơi mới của Vườn quốc gia Xuân Thủy (08:38 | 15-09-2010)
Du lịch xem chim mùa hè tại VQG Xuân Thuỷ, một khám phá mới của du khách quốc tế. (09:32 | 30-07-2010)
Hội nghị BCHTW hiệp hội các VQG và KBTTN Việt Nam (08:48 | 03-06-2010)
Sinh viên khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tham gia tình nguyện tại vùng đệm của VQG Xuân Thuỷ. (15:46 | 18-01-2010)
Đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN (09:49 | 27-08-2024)
Trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN (09:42 | 27-08-2024)
Hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Xuân Thủy (08:34 | 30-07-2024)